Y học cổ truyền cho rằng mụn nhọt phần nhiều do huyết nhiệt thuộc chứng “sang dương”, nguyên nhân liên quan đến ăn uống không hợp lý, lạm dụng món ăn cao lương, béo, ngọt, cay nóng.
Phép trị chủ yếu thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu ứ. Sau đây là một số món canh phòng trị mụn nhọt và mụn trứng cá, rôm sẩy lở ngứa.
Canh rau má: rau má 200g, thịt nạc heo băm 50g nấu canh ăn. Tác dụng trị phế nhiệt ho khan, viêm họng, gan nóng, mụn nhọt.
Canh dưa leo: dưa leo 2 trái 300g, thịt giò heo 50g, cà rốt 30g, gia vị hành hoa, ngò rí nấu canh ăn. Tác dụng: thanh nhiệt, lợi tiểu, lọc máu, kích thích tiêu hóa…
Canh atisô: bông atisô tươi 200g, thịt vịt 50g, gia vị vừa đủ nấu nhừ ăn. Tác dụng: bổ mát gan, thận, lợi mật, lọc máu, lợi tiểu.
Canh bầu: bầu 1 trái 200g, tôm tươi 50g hoặc cá thát lát 50g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường, lợi tiểu.
Canh bí đao: bí đao 200g, thịt nghêu 100g, thêm rau răm, hành hoa gia vị nấu canh ăn. Tác dụng: thanh phế, mát vị, sinh tân, hóa đàm, lợi đại tiểu tiện.
Canh khổ qua: khổ qua bỏ ruột 2 trái 200g, đậu phụ non 30g, nấm mèo 20g, miến 20g, gia vị vừa đủ, nhồi ruột trái khổ qua nấu canh ăn. Tác dụng: thanh nhiệt, dưỡng huyết, mát gan, giải nhiệt, sáng mắt.
Canh rau bỉnh bát: rau bát 200g, tép đồng 100g giã nhỏ, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Tác dụng: thanh nhiệt, mát phế, thanh vị, nhuận táo, sinh tân dịch, giải độc.
Canh củ cải: củ cải 100g, cà rốt 50g, nấm mèo 20g, chân gà 50g. Tác dụng: thanh nhiệt, mát phế, dưỡng âm, tiêu đờm, giải độc.
Canh đậu xanh: đậu xanh 100g, lá nha đam tước vỏ cứng thái lát 50g, gia vị vừa đủ nấu ăn. Tác dụng: thanh nhiệt, giải khát, giải tất cả các chất độc, trừ phiền.
Canh khoai từ: khoai từ 200g, tôm bóc vỏ viên 50g, rau ngò, hành gia vị vừa đủ nấu ăn. Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng.
Ngoài ra, cần tăng cường ăn các món rau củ quả tươi; hạn chế thức ăn có vị cay, mặn, ngọt quá như tiêu, ớt, tỏi, cà phê… đường sữa, bánh kẹo hoặc trái cây quá ngọt, thịt cá khô muối mắm, để lâu…